‘Bàn ăn chia sẻ’ ở các trường tiểu học Mỹ

0
144

Tại nhiều trường học ở Mỹ, học sinh có thể để lại thức ăn hoặc đồ uống không thích trên bàn và lấy món khác. Đồ ăn còn lại sẽ được tặng cho người vô gia cư.

Khi Sabrina Agosto rời khỏi dãy học sinh xếp hàng nhận đồ ăn trưa, cô bé 9 tuổi liền bỏ ngay hộp sữa xuống chiếc bàn có dòng chữ “Chia sẻ và tặng” rồi nhặt lên một hộp sữa chua.

“Cháu không thích sữa nhưng lại rất mê sữa chua”, cô bé lớp 4 tại trường Tiểu học Aloma, quận Cam, bang California vừa nói vừa chỉ vào hộp sữa chua vị dâu.

'Ban an chia se' o cac truong tieu hoc My hinh anh 1
Các học sinh chọn thức ăn tại “Bàn chia sẻ”. Ảnh: Atlanta Journal Constitution

Giờ ăn trưa tại trường Aloma, một hàng dài học sinh bỏ lại thức ăn chúng không thích và lựa chọn thứ khác thích hơn. Những đồ ăn còn lại sau cùng sẽ được tặng cho người vô gia cư.

Aloma chỉ là một trong số 20 trường tiểu học công lập ở quận Cam áp dụng chương trình mang tên “Bàn chia sẻ”. Một số trường giống Aloma dùng đồ ăn học sinh bỏ lại để làm từ thiện. Trong khi đó, một số khác lại gửi thức ăn đến các gia đình học sinh đang chật vật kiếm sống.

Chương trình này nhằm hạn chế tình trạng đồ ăn thừa bị bỏ phí, đồng thời cung cấp thức ăn bổ sung cho những đứa trẻ ở nhà ăn của trường hay người dân nghèo khó trong cộng đồng.

Ngoài quận Cam, một số quận khác như Osceola, Lake hay Seminole đều áp dụng hình thức độc đáo này trong các trường tiểu học.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá cao chương trình “Bàn ăn chia sẻ” và xem nó như một “chiến lược sáng tạo” mà nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm nên cân nhắc áp dụng.

“Nếu không có chương trình này, thức ăn không được sử dụng sẽ bị vứt hết vào thùng rác”, mục sư Stan Reinemund, người thường nhận đồ ăn không sử dụng và phân phát cho người vô gia cư, cho hay.

Mỗi tuần một lần, ông Reinemund nhận thức ăn của trường Tiểu học Aloma tặng. Nhà thờ của Reinemund sẽ dùng một phần, phần còn lại được dành cho bữa sáng chủ nhật, phục vụ miễn phí khoảng 100 người vô gia cư mỗi tuần.

“Chương trình này thực sự giúp ích rất nhiều cho chúng tôi”, mục sư chia sẻ.
Theo chương trình ăn trưa của liên bang, học sinh phải nhận một số lượng thức ăn nhất định tại nhà ăn của trường, trong đó có hoa quả hoặc rau.

Nhưng theo Lora Gilbert, Giám đốc về dịch vụ thực phẩm ở các trường học thuộc quận Cam, học sinh không phải lúc nào cũng thích những thứ mà chúng nhận được.

Ngoài ra, các bé mẫu giáo cũng được cung cấp một lượng đồ ăn tương tự (mức này có thể quá nhiều với các bé). “Bàn chia sẻ” giúp giải quyết các vấn đề này.

'Ban an chia se' o cac truong tieu hoc My hinh anh 3
 Không chỉ biết chia sẻ, học sinh còn được giáo dục cách phân loại thực phẩm. Ảnh: Scarce.

Khái niệm “Bàn ăn chia sẻ” đơn giản như tên gọi của nó. Học sinh để lại thức ăn hoặc đồ uống chúng không thích trên bàn. Đổi lại, chúng được lấy một món khác. Cách này còn giúp những trẻ em không có đủ đồ ăn trong ngày không bị đói bởi không nhất thiết phải quy đổi tương đương (nếu thiếu hoặc không có đồ ăn, bạn vẫn có thể lấy đồ ở bàn chia sẻ).

Chương trình cũng giúp cung cấp các bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em ở các gia đình có thu nhập thấp. Theo luật liên bang, những trường có nhiều trẻ em nghèo có thể phục vụ bữa ăn miễn phí cho mọi người.

Shannon Miller, phụ huynh tình nguyện tại bếp ăn trường Aloma mỗi buổi một tuần, tâm sự con gái lớp 4 của cô thường chọn sữa từ bàn chia sẻ. Điều mà Miller thích là chương trình này giúp tránh lãng phí thức ăn.

'Ban an chia se' o cac truong tieu hoc My hinh anh 4
 Học sinh khá hào hứng với chương trình “Bàn chia sẻ”. ẢnhScarce.

Tại trường Aloma, các nhân viên giữ những thực phẩm tươi trong các khay làm mát và một chiếc tủ lạnh nhỏ được tài trợ. Thức ăn nóng, đồ uống đã mở nắp hoặc thực phẩm không được bọc kín không được chấp nhận.

Martha Albright, người phụ trách nhà ăn của Aloma, cho biết “Bàn chia sẻ” đã giảm bớt sự lãng phí và rác trong phòng.

“Những người chăm sóc lũ trẻ thực sự thích giải pháp này. Chúng quả thực rất tuyệt vời. Thức ăn không được sử dụng sẽ dành cho học sinh khác hoặc người vô gia cư thay vì bị vứt bỏ vào thùng rác”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here