Ngày nay, quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình đã được chị em nhìn nhận “dễ thở” giúp người chồng có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình bền chặt hơn. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam vẫn có những áp lực nhất định dành cho người đàn ông.
Ai là trụ cột?
Phụ nữ ngày nay luôn khao khát xây dựng sự nghiệp và có chỗ đứng trong xã hội. Họ luôn mong muốn người chồng san sẻ việc nhà, chăm sóc con cái và ngược lại họ sẵn sàng chia sẻ gánh nặng tài chính với chồng. Tuy nhiên, phụ nữ vốn là phái yếu nên họ vẫn mong người đàn ông của mình là chỗ dựa vững chãi.
Chị Phương Thảo 28 tuổi sống tại Hà Nội hiện đang có một cửa hàng nhỏ, chồng là kỹ sư công nghệ thông tin cho rằng: “Nếu đàn ông có thể là trụ cột kinh tế thì phụ nữ sẽ chuyên tâm chăm lo gia đình tốt hơn. Nhưng không có nghĩa, đàn ông thì bắt buộc phải là trụ cột kinh tế. Phụ nữ cũng có thể là trụ cột, miễn sao cô ấy vẫn tôn trọng và giúp chồng có cảm giác mình là trụ cột về tình cảm, chỗ dựa tinh thần cho vợ”.
Chị Thảo Hương – Chuyên viên truyền thông tại Hà Nội thì cho rằng: “Đàn ông không nhất thiết phải xây nhà cao, cửa rộng nhưng ít nhất đừng để vợ con bươn chải, chật vật với cuộc sống rồi viện cớ bình quyền. Vì đến bây giờ bình đẳng giới vẫn là quan niệm trên lý thuyết. Đến cuối cùng, phụ nữ vẫn là người mang nặng, đẻ đau và chăm sóc con cái cho đàn ông gây dựng sự nghiệp. Khi nào đàn ông có thể sinh con, hãy đòi hỏi bình quyền tuyệt đối”, chị Thảo Hương chia sẻ.
Thời nay, phụ nữ không chỉ cần bình đẳng, độc lập về kinh tế và trong suy nghĩ, mà họ vẫn có phần mềm yếu, cần chồng che chở.
Tránh những cú sốc
Trong gia đình, chị Phương Thảo là người giữ tiền và lo chi tiêu hàng ngày. Song mọi khoản chi tiêu chị đều ghi chép cẩn thận để chồng hiểu thêm về tình hình kinh tế gia đình. Chồng chị Thảo vừa làm việc tại công ty và nhận thêm các dự án bên ngoài nên thời gian khá eo hẹp. Chị Thảo cũng hiểu và cảm thông với chồng:“Tôi sẵn lòng chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Bình thường chồng kiếm được 10, tháng này bỗng kiếm được 1, tôi sẽ phải cân đối chi tiêu cho hợp lý. Tôi cũng không bắt chồng dành quá nhiều thời gian cho mình, đó cũng là một sự sẻ chia rồi”.
Cũng như chị Thảo, chị Thảo Hương chấp nhận rủi ro để chồng làm công việc đúng sở thích. Chồng chị Hương trước kia là nhân viên thiết kế đồ họa, thế nhưng vì yêu thích nghề xăm nên anh nghỉ việc để mở quán xăm nhỏ khi kinh tế gia đình đã phần nào ổn định. Thời gian đầu, hai vợ chồng chị đã phải “chật vật” để cân đối chi tiêu, thời gian đi làm và chăm lo gia đình. Nhưng đến nay thì công việc của anh khá tiềm năng, khách hàng đều đặn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Nhiều chị em hiện đại đã tự tin cùng chồng chia sẻ trách nhiệm để xây dựng nên một gia đình trọn vẹn. Không ít người phụ nữ sẵn sàng hi sinh sự nghiệp để chăm lo gia đình song vẫn tự chủ, tiến bộ trong suy nghĩ. Chị Trịnh Mỹ Hường đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi nên chỉ nhận các dự án làm tại nhà chia sẻ: “Bình đẳng không có nghĩa cả hai cùng đi làm, chia đôi tiền bạc và việc chăm con. Khi con còn nhỏ tôi sẵn lòng ở nhà chăm sóc con và chồng lo kinh tế. Sau khi con lớn hơn tôi sẽ đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng”.
Do quan niệm “bình đẳng giới” vẫn chỉ tồn tại trên lý thuyết, và thực tế dù phụ nữ có cảm thông, đàn ông vẫn cảm thấy áp lực, nhất là áp lực tài chính gia đình. Theo nhiều chuyên gia, một trong những biện pháp sẻ chia tốt nhất từ phía người phụ nữ là cùng chồng phòng vệ những cú sốc. Những người tự gây áp lực cho bản thân thường có xu hướng nhạy cảm trước thất bại và chịu đựng kém trước cú sốc. Việc chuẩn bị tâm lý, cũng như tài chính cho các tình huống như vậy rất quan trọng. Trên thực tế, chị em nội trợ luôn có khoản tích cóp riêng để giải quyết các tình huống khẩn cấp cho gia đình. Thế nhưng trong xã hội hiện đại, với nhiều công cụ lên kế hoạch, người vợ và người chồng có thể cùng chung tay “phòng vệ” trước những cú sốc. Điều này sẽ giúp đôi bên yên tâm theo đuổi những điều mình mong muốn hơn.