Quan tâm các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định

(PLVN) – Ngày 28/3, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành chuẩn bị phiên giải trình về công tác thẩm định; việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) theo Công văn số 2097/UBPL14.

Đã thẩm định 69 dự án, dự thảo

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định… Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015), ngoài việc thẩm định các dự án trình Quốc hội, UBTVQH, Bộ còn có trách nhiệm thẩm định các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định và thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên khối lượng văn bản phải thẩm định là tương đối lớn.

Còn tính riêng các dự án trình Quốc hội, UBTVQH thì từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ đã thẩm định 69 dự án, dự thảo. Nhìn chung, hồ sơ các dự án đã được các bộ, cơ quan ngang bộ nghiêm túc chuẩn bị, các tài liệu đảm bảo đầy đủ, chất lượng từng bước được nâng cao. Thời gian trung bình hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày, cá biệt có một số dự án đã rút ngắn thời gian thẩm định chỉ còn 2 – 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hồ sơ một số dự án, dự thảo gửi Bộ thẩm định còn chậm; một số hồ sơ gửi thẩm định nhưng các tài liệu bắt buộc chưa đầy đủ; có trường hợp yêu cầu gấp về tiến độ song cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ gửi công văn đề nghị thẩm định mà không có hồ sơ kèm theo hoặc gửi hồ sơ thẩm định nhưng thành phần chưa đầy đủ… Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể vể nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành do không có đầy đủ thông tin từ hồ sơ dự án. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo cũng chưa được đầy đủ…

Cần hoàn thiện các quy định về thẩm định

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngoài các kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Tư pháp cũng sẽ tập trung một số giải pháp. Chẳng hạn, tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng thẩm định; có cơ chế thu hút hơn nữa sự tham gia của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý vào quá trình thẩm định; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và thẩm định dự án, dự thảo văn bản…

Đại diện các bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn chỉnh báo cáo về công tác thẩm định. Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Vũ Huy Khánh cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ rất quan trọng của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng các dự án mà Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo. Đặc biệt là có những dự án được giao rất gấp nhưng vẫn kịp thời trình Quốc hội, UBTVQH là  Luật Công an nhân dân, Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử. Đối với một số hạn chế được Bộ Tư pháp nêu ra, ông Khánh cho rằng cần đánh giá thêm về nguyên nhân khách quan như có dự án thực hiện theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ nên thời gian vật chất để chuẩn bị không nhiều.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Loading...