KIM – THỦY– MỘC – HỎA –THỔ
Thế nhân ai cũng biết vậy, nhất là trong khoa tử vi các thầy tử vi thường sử dụng sự vận chuyển tương sinh, tương khắc của 5 thể này mà luận đoán tương lai hậu vận của các thân chủ. Nhưng trên thực tế sự hiểu biết cặn kẽ vấn đề của sự tương sinh hay tương khắc thì hỏi mấy ai tường tận. Mà đã không hiểu tường tận thì việc suy đoán chắc hẳn sẽ có nhiều điều khiếm khuyết và biết đâu chừng còn gây ra những ngộ nhận nguy hiểm khôn lường.
Ðối với người đã quy Ðạo, trong quá trình Tu hành thì sự hiểu biết về sự vận hành của Ngũ hành tương sinh, tương khắc là một điều hết sức cần thiết vì điều đó sẽ giúp ích cho người tu hành hiểu rõ sự hình thành và sự vận hành của chuỗi nghiệp trong suốt định mệnh của mình, qua đó mà trong hành trình tu tập “Minh Tâm Kiến Tánh” ta biết được nghiệp lực nó ảnh hưởng đến đời sống của mình ra sao? Và từ đó ta tìm được cách cải, hóa và biến nghiệp hầu tìm được phương thức giải thoát cho chính mình. Vì nếu không hóa giải được nghiệp trần thì làm sao mà có được con đường giải thoát, phải không qúy bạn?
Lịch sử hình thành Ðạo Pháp đã có từ lâu, các Thánh nhân đã để lại cho chúng ta nhiều điều hết sức Minh triết trong Ðạo lý sống làm người và trong mối quan hệ tương giao giữa con người với con người cùng vạn vật muôn loài, kiểm lại trong Phật giáo thì có Ngũ giới, trong Nho giáo thì có Ngũ Thường, trong Ðạo giáo Cư sĩ thì có Ngũ Hành. Từ đó ta suy ra rằng: Loài người trước hết lãnh hội được Ðạo Lý rồi từ đó đúc kết được cái Luân Lý cho con người lấy đó làm kỷ cương xây dựng nền nếp xã hội và duy trì mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với xã hội, mà trong nền giáo dục học đường ở VN thường được gọi là ” Minh Ðạo Gia Huấn”, Ngày xưa thường được gọi là ” Tứ Thư Ngũ Kinh”. Theo giới Ðạo Sĩ thì con người khi được sinh ra đều đã có sẵn một định mệnh, mà định mệnh thì chịu ảnh hưởng từ sự vận hành của các vì tinh tú trên bầu trời qua 5 thể tinh tú là Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, thường được gọi là Ngũ Hành Tinh, Sự vận hành này theo quy trình tự nhiên của tạo hóa đó là thế cân bằng của Âm Dương vì thế tạo nên hai chiều tương giao thuận nghịch, thường được gọi là Tương Sinh và Tương Khắc. Biết thì biết vậy, nhưng dựa vào đâu để có được cái luận lý đó, tại sao gọi nó là tương sinh? Và tại sao gọi nó là tương khắc? Tương sinh và tương khắc ảnh hưởng như thế nào với mối quan hệ ruột thịt trong gia đình, quan hệ Vợ chồng, quan hệ xã hội, Giữa chúng có sự liên hệ gì đối với cái mà trong nhà Phật thường dùng cho giới chúng sinh đó là là Duyên và Nghiệp Phần này sẽ phân tích ở bài khác nói về Duyên và Nghiệp. Dưới đây xin trình bày phần căn bản của luận giải tại sao gọi là tương sinh và tương khắc:
* Trong Phật giáo có Ngũ Giới là: Sát sinh – Ðạo tặc – Dâm dục – Vọng ngôn – Tửu nhục
* Trong Nho giáo có Ngũ Thường là: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín
* Trong Ðạo giáo có Ngũ Hành là: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ
Mà trong sách Thánh Hiền có dạy như sau:
Bất giới sát tắc vô nhân nhi khuyết mộc.
Bất giới đạo tắc vô nghĩa nhi khuyết kim
Bất giới dâm tắc vô lễ nhi khuyết hỏa
Bất giới vọng tắc vô tín nhi khuyết thổ
Bất giới tửu tắc vô trí nhi khuyết thủy
Nhìn vào biểu đồ Ngũ Hành ta sẽ thấy:
Hướng Ðông là Mộc, Sát sinh và Nhân là biểu tượng
Hướng Tây là Kim, Ðạo tặc và Nghĩa là biểu tượng
Hướng Nam là Hỏa, Dâm dục và Lễ là biểu tượng
Trung Tâm là Thổ, Vọng ngôn và Tín là biểu tượng
Hướng Bắc là Thủy, Tửu sắc và Trí là biểu tượng
*-Bất giới sát tắc vô nhân nhi khuyết mộc
Lời giải: Kẻ sát sinh là đứa vô nhân thì nó không còn là con người nữa.Tự đánh mất mình,tức không còn Mộc
*-Bất giới đạo tắc vô nghĩa nhi khuyết kim
Kẻ đạo tặc là bất nghĩa thì tự đánh mất nhân phẩm của mình, tức không còn Kim.
*-Bất giới dâm tắc vô lễ nhi khuyết hỏa
Kẻ hoang dâm là không biết giữ lễ tiết thì tự hủy hoại sinh lực của mình, tức không còn Hỏa.
Bất giới vọng tắc vô tín nhi khuyết thổ
Kẻ Vọng ngôn là người không biết giữ chữ Tín thì tự làm mất danh dự mình, tức không còn Thổ.
*-Bất giới tửu tắc vô trí nhi khuyết thủy
Kẻ rượu chè be bét thì sẽ mất khôn Vô trí thì còn gì là tư cách con người và cơ thể sẽ bị mất nhiều nước,tức không còn Thủy.