Trong khi Chính phủ đầu tư cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở mức khá cao thì chỉ dành 0,33% GDP cho giáo dục đại học. Đây là một trong những mức đầu tư thấp nhất trên thế giới khi trung bình của các nước OECD là 1,1%.
Thông tin trên do Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 do Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức chiều 12/9 tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế.
Điểm nghẽn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Chia sẻ về thành công của giáo dục mầm non và phổ thông của Việt Nam nhằm khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến tiếp cận công bằng và đầu tư sớm vào giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời nhấn mạnh, giáo dục đại học phải là động cơ chính để chuyển đổi tiềm năng thành nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao.
“Chúng ta phải nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học để đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế. Nếu hệ thống giáo dục đại học không có quy mô và chất lượng tương xứng như kì vọng thì chính hệ thống đó lại là điểm nghẽn trong khâu đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước” – Bộ trưởng nói.
Chỉ ra một số tồn tại của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đó là việc hệ thống được mở rộng nhanh chóng nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong 10 năm gần đây; chất lượng đào tạo thấp và mức độ phù hợp chưa đạt yêu cầu; số lượng nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu quốc tế dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn bị bỏ khá xa so với các nước láng giềng, như Singapore, Thái Lan và Malaysia; các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.