‘Huế – Triều Nguyễn một cái nhìn’ qua sách Trần Đức Anh Sơn

Một hoàng cung xứ Huế hứng chịu bao nhiêu biến động thăng trầm được ghi lại như những câu chuyện còn nhiều bí ẩn.

Sinh trưởng ở Huế, từng bảy năm làm giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Trần Đức Anh Sơn có nhiều công trình và bài viết về cố đô để thỏa tình yêu với mảnh đất quê hương này, sách Huế – Triều Nguyễn một cái nhìn là một trong số đó.

Sách tập hợp nhiều bài viết của tác giả rải rác trong các năm qua, với hai phần:Huế – di sản văn hóa và Triều Nguyễn những vấn đề lịch sử. Với cấu trúc này, tác giả Trần Đức Anh Sơn dẫn dắt người đọc qua những nơi chốn của cố đô, qua những di sản đền đài lăng tẩm, thậm chí như người hướng dẫn viên tận tâm chỉ rõ cho du khách về tính dân gian trong các trang trí thời Nguyễn, về kiến trúc độc đáo của lăng Khải Định…

Dưới góc nhìn của Trần Đức Anh Sơn, Huế là một vùng đất không chỉ mang dáng vẻ cổ kính, yên bình bên bờ sông Hương mà là thành phố đang “sống” trong một phối cảnh có một hệ sinh thái riêng… Nhiều điều tự nhiên đó có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành một đặc trưng văn hóa đóng vai trò không nhỏ đối với quyết định chọn kinh đô của chúa Nguyễn thời đó. Huế – thành phố dưới bóng núi Ngự – không chỉ lặng lẽ nhìn dòng Hương trôi qua mà dự phần vào lịch sử như một chứng nhân cho hai thế kỷ cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam.

Mối tương quan đó định hình cho tính cách của những người con Huế, trong đó có các vua triều Nguyễn, nghĩa là cũng liên đới đến những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước. Trên cái nền phong thổ ấy, một hoàng cung hiện lên hứng chịu bao nhiêu biến động thăng trầm được ghi lại trong sử sách nhưng cũng có những câu chuyện mãi chỉ là bí ẩn, trở thành giai thoại lưu truyền trong dân gian.

Trong phần hai của cuốn sách: Triều Nguyễn một góc nhìn, tác giả Trần Đức Anh Sơn đặt trong tâm vào triều Nguyễn. Chính tại cố đô, năm 1806, vua Gia Long hướng tầm nhìn về phía biển Đông xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Trần Đức Anh Sơn đã dẫn lại các tài liệu bằng tiếng Pháp, Italy, Đức được viết thời bấy giờ để một lần nữa khẳng định lần nữa sự công nhận của quốc tế: Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam mà trong một tài liệu họ đã nhấn mạnh sự kiện năm 1816 khi vua Gia Long cho cắm cờ khẳng định chủ quyền ở đây.

Sự hiện diện của hoàng tộc ở Huế sâu đậm đến mức hiện diện trong ca dao lưu truyền trong dân gian. Những câu ca dao ghi nhận những sự kiện diễn ra lúc bây giờ cũng như phản ánh phần nào cái nhìn phán xét của nhân dân với các vị vua triều Nguyễn. Dù ngày nay vua không còn nữa, những di sản họ để lại đã đi xa cái mục đích ban đầu là phục vụ cũng như thể hiện uy quyền của bậc quân vương mà đã trở thành những di sản văn hóa, thuộc về toàn dân, trở thành niềm tự hào của cư dân xứ Huế.

Du khách hôm nay, khi dạo quanh hoàng cung, nhìn những món đồ, cảnh vật tĩnh tại như bấp chấp thời gian, như thể chôn vùi bao nhiêu câu chuyện. Những bức tường thành ở cố đô biết đâu còn những lời thầm thì về lịch sử một thời. Cái giai đoạn “tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng, ba vua) biết bao rối ren khi mà thân phận một ông vua cũng chỉ như quân cờ. Những vụ tranh quyền đoạt vị, thậm chí những nghi án động trời như chuyện “vua Tự Đức thật ra là con ai?”… Những tồn nghi ấy dù có đưa ra những kiến giải nghe hết sức hữu lý thế nào vẫn khó lòng minh định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *