Vì sao cần có cách tiếp cận mới trong giải quyết tranh chấp đất đai?
Việt Nam đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng là làm thế nào để giải quyết một cách công bằng và hiệu quả các vụ tranh chấp đất đai đang ngày một gia tăng. Tranh chấp từ thu hồi đất hiện đang nổi lên là một vấn đề lớn, cần giải quyết, đối với chính phủ và cộng đồng tại Việt Nam.
Các tranh chấp về cơ bản hiện đang được thực hiện theo cách tiếp cận coi nhà nước là chủ đạo. Theo cách tiếp cận này, tranh chấp được coi là nảy sinh là do luật pháp, chính sách thiếu hoàn thiện, chưa phù hợp hoặc việc thực thi luật pháp và chính sách chưa tốt. Vì vậy các giải pháp đưa ra chủ yếu hướng vào hoàn thiện luật pháp hoặc nâng cao chất lượng thực thi luật pháp. Thực tế cho thấy cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai, đặc biệt là tranh chấp giữa người dân và nhà nước/nhà đầu tư ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. Số vụ tranh chấp và tính chất nghiêm trọng của các vụ tranh chấp chưa hề giảm. Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong giải quyết tranh chấp đất đai, nhất là tranh chấp giữa người dân và nhà nước trong thu hồi đất.
Cách tiếp cận đa chủ thể là gì?
Một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công cách tiếp cận đa chủ thể trong giải quyết tranh chấp đất đai. Cách tiếp cận này cho rằng các tranh chấp phát sinh phần lớn là do sự khác biệt về tư duy của các bên về đất đai và thu hồi đất đai, đặc biệt là giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và người thuộc diện thu hồi đất.
Mô hình tư duy của các bên được nhìn nhận theo ba khía cạnh: suy nghĩ dựa trên tính toán, suy nghĩa dựa trên chuẩn mực và nếp tư duy. Suy nghĩa dựa trên tính toán nói tới lợi ích hoặc chi phí mà mỗi bên nhận được hoặc bỏ ra khi quyết định tham gia vào một quan hệ nhất định. Ví dụ, trong các quan hệ phát sinh từ thu hồi đất, thì người dân, nhà đầu tư và chính quyền địa phương tính toán như thế nào về chi phí và lợi ích của các bên, đặc biệt là của bản thân họ khi tiến hành thu hồi đất. Suy nghĩa dựa trên chuẩn mực nói tới việc các bên sẽ sử dụng các chuẩn mực đạo đức (quan niệm về “đúng”, “sai”) khi đánh giá về quy trình, chính sách và các quyết định hành chính có liên quan đến việc thu hồi đất. Quan niệm về “trách nhiệm”, “nghĩa vụ”, “công bằng”, “thấu tình, đạt lý” hoặc “đúng”, “sai”… cũng thuộc về khía cạnh này. Nếp suy nghĩ nói tới quan niệm hay cách nhìn nhận đã ăn sâu trong mỗi con người về các vấn đề liên quan như đất đai, sinh kế hay quy trình thu hồi đất. Đây thường là những quan niệm, cách nghĩ ngầm, được sử dụng hoặc thể hiện ra ngoài một cách mặc nhiên, thậm chí vô thức mà bản thân chủ thể không hề nghĩ tới. Ví dụ, đối với người dân, đất ở có thể luôn ngầm hiểu là một phần lịch sử của gia đình, trong khi đối với nhà đầu tư, đó có thể đơn giản là yếu tố đầu vào trong kinh doanh.
Thông thường, chính quyền (trung ương, địa phương), nhà đầu tư, và người dân sẽ có những suy nghĩ khác nhau về các vấn đề liên quan tới thu hồi đất. Bản thân người dân cũng phân hóa thành nhiều nhóm khác nhau. Cách tiếp cận đa chủ thể đòi hỏi phải xác định được những nhóm cơ bản, cho phép họ được tham gia và cùng xây dựng giải pháp cho các tranh chấp. Nói cách khác, phải xây dựng được một cơ chế đối thoại đa chủ thể trong giải quyết tranh chấp đất đai. Cơ chế này cần nhìn nhận các tranh chấp đất công như một quá trình, bắt đầu từ khi xuất hiện các nguy cơ tranh chấp đến khi giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh. Sự tham gia của một hoặc một số chủ thể trung gian, có tính độc lập, với vai trò kiến tạo, duy trì các diễn đàn đối thoại nhằm hướng tới sự thống nhất về cách nghĩ đối với việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hết sức quan trọng.
(Hết kỳ 1)