Chất lượng đào tạo đại học (ĐH) tại Việt Nam đang là vấn đề nóng bỏng, được xã hội quan tâm. Một trong những vấn đề nổi lên là SV khi ra trường không đáp ứng được nhu cầu công việc. Tại một hội thảo về quản trị nhân sự, các nhà tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) chia sẻ rằng khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường họ cũng gặp không ít khó khăn vì các kiến thức và kỹ năng của các em không phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân đó là do chưa có sự gắn bó giữa nhà trường và DN và giữa hai tác nhân này vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung để tiến tới hợp tác trong các hoạt động liên quan tới đào tạo.
Một nghiên cứu gần đây ở Châu Âu về sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là UBC-University Business Cooperation) thực hiện trên 3.000 trường ĐH năm 2011 cho thấy rằng mối quan hệ này mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho xã hội, cho các DN, trường ĐH, giảng viên (GV), nhà nghiên cứu, và sinh viên (SV), trong nhiều vấn đề liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao kiến thức. Do đó UBC đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một xã hội dựa trên tri thức. Tuy nhiên, ở Việt Nam (VN), những quan sát ban đầu cho thấy việc hợp tác giữa trường ĐH và DN còn nhiều hạn chế.
Rõ ràng chúng ta thấy việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu mang lại một giá trị nhất định cho doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.
Những hình thức hợp tác giữa trường ĐH và DN
Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp được hiểu là sự tương tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp vì lợi ích chung, sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho các trường đại học tạo ra những “sản phẩm” gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giúp các doanh nghiệp xây dựng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của một khu vực hay tầm quốc gia [1]. Trong bối cảnh này, UBC tạo ra lợi ích tương hỗ cho các bên liên quan và cho xã hội nói chung. Từ đó, chúng ta có thể xác định một số hình thức hợp tác giữa hai bên về: nghiên cứu và phát triển (R&D); thương mại hóa kết quả R&D; trải nghiệm môi trường làm việc tại DN; xây dựng kỹ năng thực hành cho SV; phát triển chương trình đào tạo; tham gia giảng dạy/ diễn thuyết; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của DN; tổ chức sự kiện ; tham gia việc quản trị; tuyển dụng.
Các kết quả hợp tác hiện tại và mong muốn hợp tác tương lai
(i) UBC tại Việt Nam đang phát triển và DN đang đóng vai trò “săn bắt” hơn là “nuôi trồng” nguồn nhân lực trong tương lai qua UBC. Hình thức hợp tác phổ biến nhất trong hiện tại là hai hình thức truyền thống: tuyển dụng và xây dựng kỹ năng thực hành cho SV qua việc làm thêm bán thời gian và thực tập. Tương tự kết quả hợp tác hiện tại, trong trương lai, nhóm loại hình được mong muốn mở rộng nhiều nhất chính là nhóm truyền thống với hai loại hình hợp tác “Phát triển kỹ năng thực hành cho SV” và “Tuyển dụng”.
(ii) Các DN chưa có niềm tin là UBC sẽ mang lại lợi ích cho họ. Mức độ hài lòng của DN sau hợp tác cũng như nhận thức của DN về lợi ích hợp tác chỉ dừng ở điểm số trung bình. Đối với DN, việc tham gia UBC là đóng góp một phần hoàn thiện các kỹ năng thực hành cho nhóm SV và mang lại lợi ích XH nhiều hơn.
Vai trò của các bên trong hợp tác
(iii) DN chưa quan tâm nhiều đến UBC nhưng lại là đối tượng khởi xướng việc hợp tác. Xét về khía cạnh chức năng và nhiệm vụ, sứ mệnh của trường ĐH là “trồng người” và phải gắn chất lượng đầu ra của SV với yêu cầu và nhu cầu của xã hội nói chung và DN nói riêng. Vì vậy, nhà trường phải là đối tác khởi xướng của việc hợp tác. Thực tế hiện nay, các trường chưa thể hiện được vai trò này của mình. Hiện tại việc hợp tác đang dừng ở cấp độ tình huống và ngắn hạn với các hình thức truyền thống như tuyển dụng, tạo điều kiện cho SV thực tập làm thêm. Mặc dù vậy, theo ý kiến của các DN trong khảo sát, DN đóng vai trò khởi xướng và đưa ra phương án hợp tác trong hầu hết các dự án hợp tác.
Hiện nay, hầu hết UBC xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải là từ kế hoạch chiến lược dài hạn của họ (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” (214 trong tổng số 493 trường ĐH mà các DN ghi là “có sự hợp tác với”), hoặc “hợp tác ngắn hạn” (174 trong tổng số 493). Chỉ có 58 và 47 trường đại học đang lần lượt được coi là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của các doanh nghiệp.
Qua nghiên cứu, trong nhiều trường hợp hợp tác, doanh nghiệp là đơn vị đi đầu trong việc khởi xướng (45,3%) và phát triển các phương án hợp tác (52,3%). Bên thứ ba đóng vai trò ít hơn nhưng được công nhận là vẫn “tích cực” hơn các trường đại học. Trong khi đó, sự tham gia chủ động của các trường ĐH có tỉ lệ thấp nhất trong nhóm. Điều này cho thấy có một khoảng trống giữa DN và trường ĐH trong UBC và có thể nâng cao vai trò của bên thứ 3 lên để giúp hai bên xích lại gần nhau hơn.
(Hết kỳ 1)
Tác giả:
Nguyễn Phương Anh – Senior Consultant, T&C Consulting