Trang chủ Đời sống Dựng tóc gáy vào khu rừng lúc nhúc rắn độc trên dãy...

Dựng tóc gáy vào khu rừng lúc nhúc rắn độc trên dãy Hoàng Liên Sơn

0
217

Có những con rắn to bằng bắp tay, nằm khoanh tròn một đống, còn chẳng thèm ngóc đầu lên nhìn đám người lạ đến gần.

Nhiều năm lang thang trên dãy Hoàng Liên Sơn, tôi vẫn nghe loáng về một khu rừng phía tây dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có nhiều rắn độc, tuy nhiên, chưa có dịp đi, và cũng không rõ nó ở khu nào.

Mới đây, nhóm thợ săn ở xã Tà Lèng (Tam Đường, Lai Châu), xã xưa kia thuộc huyện Phong Thổ, nằm ở sườn tây của dãy Hoàng Liên Sơn và đỉnh Fansipan, phát hiện một khu rừng ở độ cao 2.000 đến 2.500m, có quần thể đảng sâm quý khổng lồ, tôi tò mò lên tìm hiểu.

Đây là loại sâm rất tốt, phổ biến ở Việt Nam, được thu mua nhiều, nên đồng bào Mông nô nức kéo nhau vào rừng thu hái. Thông qua nhóm thợ săn, tôi muốn theo chân đồng bào tận mắt công việc săn lùng sâm trên núi cao.

Anh chàng Giàng A Bình, người Mông, vừa là thợ săn giỏi, lại là porter chuyên nghiệp, thường xuyên dẫn khách chinh phục các đỉnh núi cao trên dãy Hoàng Liên Sơn. Cũng chính vì giỏi săn bắn, thuộc đường nhiều, chỗ nào cũng biết, nên Giàng A Bình lấy việc dẫn đường cho khách du lịch mạo hiểm làm nghề kiếm cơm.

Một con rắn độc khoanh tròn phơi nắng giữa lối đi chẳng sợ người.

Giàng A Bình giỏi săn bắn đến mức, chỉ cần một sợi cước, con dao, cậu ta có thể sống cả tháng trong rừng mà không cần phải mang đồ ăn gì theo. Với sợi cước, cậu có thể làm bẫy bắt được cả xâu sóc, chuột rừng. Con dao đẽo chiếc cung, đan sợi dây rừng, bắn đi hòn đá, mỗi ngày bắn rụng cả chục chim rừng các loại. Đêm bắt cá và ếch đầy suối.

Giàng A Bình bảo: “Chẳng có khu rừng nào em không dám đến, nhưng chỗ rừng đảng sâm ấy em cũng phải chùn chân, vì nhiều rắn độc lắm. Chỗ đó nhiều sâm, ngày đi đào kiếm cả triệu bạc, nhưng không phải ai cũng dám vào. Chỉ những người không sợ rắn, biết cách trị rắn độc cắn mới dám vào khu rừng ấy”.

Nghe Bình nói thế, máu liều của tôi càng nổi lên. Giàng A Bình gọi thêm hai thợ săn nữa dẫn đường vào khu rừng rắn độc.

Từ trung tâm xã Tè Lèng, phải đi xe máy độ nửa tiếng, lên đến lưng chừng núi, hết đường, thì vứt xe lại. Từ chỗ dừng xe, sẽ có hai con đường mòn, một lối dẫn lên đỉnh Putaleng, một lối dẫn lên đỉnh Tả Liên, đều là những đỉnh núi nằm trong top 10 cao nhất Việt Nam. Đặt chân vào khu rừng ấy, một cảm giác rờn rợn, khi đồng bào đặt hình nộm ở ngay lối đi. Người Mông ở đây quan niệm, trong khu rừng này rất nhiều ma quỷ, họ đặt hình nộm ở đây để dọa ma, để ma không về bản dọa người.

Một con rắn độc nằm lẫn trong đám cây bụi, nơi ánh nắng xuyên xuống.

Mặt trời ngấp nghé nhô lên khỏi sườn núi, sương đêm bắt đầu loãng ra, cả khu rừng già bừng lên ánh vàng, thì Bình và hai thợ săn nữa giục tôi lên đường. Khu “rừng rắn độc” là một thung lũng rộng lớn, nằm giữa hai dãy núi đá hùng vĩ, một dãy có đỉnh Putaleng, một dãy có đỉnh Tả Liên Sơn cao chất ngất. Thung lũng ấy rộng đến nỗi, Bình phải mất 2 ngày để đi cắt qua.

“Trong thung lũng ấy nhiều nhất là lợn rừng, sơn dương, dấu chân chi chít. Chim thì kéo đàn hót râm ran trên ngọn cây. Nhưng, thứ nhiều nhất vẫn là rắn độc, nhiều vô kể và đủ các thể loại” – Giàng A Bình vừa đi vừa kể.

Người Mông ở Tà Lèng đã vốn ít khi dám vào khu rừng này, thì từ năm ngoái đến nay, lại càng ít người dám vào, khi ông Tráng A Quý bị rắn độc cắn. Ông Quý 56 tuổi, là thợ săn giỏi, biết nhiều bài thuốc trị rắn cắn, nên ông không sợ rắn. Sáng sớm ông xách súng vào rừng, đến “thung lũng rắn”, kiểu gì chiều về cũng có một xâu chim, sóc, chuột, hoặc con cầy để cải thiện.

Thế nhưng, chẳng hiểu hôm đó mắt mũi kèm nhèm thế nào, dẫm đúng lưng con rắn, nó ngoảnh đầu lại đớp cái vào chân. Ông Quý hái nắm lá thuốc nhai, nuốt nước, rồi đắp bã vào vết thương, nhanh chóng chạy về bản. Về đến nơi, thì cũng là lúc ông kiệt sức, mặt tím tái, thở hồng hộc. Người dân nhanh chóng đưa xuống bệnh viện cấp cứu, nên sống sót trong gang tấc. Sau vụ ấy, ông Quý không đi săn nữa, người Mông thì càng sợ khu rừng ấy.

Một con rắn độc nằm trên cành cây khô giữa lối đi để phơi nắng. Nếu không để ý, bám vào nó, sẽ mất có thể mất mạng.

Đi rừng nhiều, tôi cũng có một vài mẹo để tránh rắn. Chẳng hạn như, giã nát tỏi, bôi vào chân, hoặc khắp người càng tốt. Mùi tỏi khiến hổ báo cũng sợ, nhưng theo Giàng A Bình, thì không có tác dụng với loài rắn ở Hoàng Liên Sơn, vì chúng có đặc thù riêng. Có thời điểm, khí hậu lạnh cóng, tuyết rơi, loài rắn nằm khoanh tròn bất động như khúc củi cứng. Con rắn y hệt như bị bỏ trong ngăn đá, bị đóng băng. Lúc đó, dù có cầm nó lên tay, nó cũng chẳng có phản ứng gì, chứ đừng nói chuyện ngửi thấy mùi tỏi mà bỏ chạy.

Ngoài ra, loài rắn ở khu rừng này ít có kẻ thù, con người không săn bắt bao giờ, nên chúng chẳng sợ người, càng chẳng coi mùi tỏi ra cái gì. Điều đặc biệt, là người Mông ở Tà Lèng coi rắn loài loài vật linh thiêng, không săn bắt và ăn thịt rắn, nên chúng lại càng được an toàn.

“Nếu đêm trước trời mưa, rừng ẩm ướt, lạnh giá, hôm nay nắng lên, rắn sẽ bò ra chỗ thoáng phơi mình, sẽ gặp được chúng ngay, nhưng giờ đang mùa khô, rừng chỉ có sương đêm, nên chúng cũng ít phơi nắng hơn, vì thế mà cũng không dễ dàng gì gặp được” – Giàng A Bình kể.

Mặc dù cũng biết cách thức tránh rắn khi đi rừng, nhưng nhóm thợ săn không cho tôi đi đầu. Mỗi người cầm một khúc gậy dài, vừa đi vừa khùa khùa lớp lá mục, những bụi cỏ dưới nắng. Tuyệt đối không ai được bám vào cành cây, lá cây, để tránh rắn lục bám trên cây.

Một con rắn độc khá lớn nằm vắt mình qua tảng đá.

Chẳng phải chờ lâu, vừa chạm chân vào “khu rừng rắn độc”, khi GPS chỉ độ cao 2.200m, thì chúng tôi đã liên tục chạm mặt rắn. Những con rắn bằng cổ tay, bằng ngón chân cái, với lớp da màu đen nhạt nằm vắt ngang lối đi, phơi mình dưới cái nắng xiên qua kẽ lá, chẳng chịu bò đi khi thấy người. Có con màu da như chì, có con đen nhạt, có con da đen khoanh vàng.

Bình bảo, hầu như người dân chẳng phân biệt được loại rắn ở trong rừng này, bởi chúng có quá nhiều loại, nhiều kích cỡ, nhiều màu sắc. Chúng chỉ giống nhau là tất cả đều là rắn độc, cắn chết người. Những con rắn này dạn người đến nỗi cầm đá ném chẳng chịu bò đi, cứ ngỏng đầu lên nhìn con người như sinh vật lạ. Giàng A Bình phải dùng gậy dài đập vào thân, nó mới chịu thong thả bò đi.

Đang đi xuyên qua một khu rừng bụi, cỏ thấp, thì Bình bảo tôi dừng lại và quan sát xem có thấy gì không. Phải cực kỳ tỉ mẩn, nhìn từng kẽ lá, bụi cây, tôi mới phát hiện ra ngay trước mặt chúng tôi, giữa lối mòn lá rụng, là một con rắn nằm khoanh tròn phơi nắng. Loài rắn này có màu da y hệt lá mục, nên khi nó nằm phơi mình trên lớp lá, rất khó để quan sát thấy. Tuy nhiên, nếu không để ý, dẫm vào lưng nó, là mất mạng như chơi.

Càng vào sâu trong rừng, càng gặp nhiều rắn. Giàng A Bình quan sát từ xa, hễ thấy vị trí nào cổ thụ mọc thưa, có ánh nắng chiếu xuống, liền vạch rừng tìm đến, y rằng gặp bọn rắn ra phơi mình. Có những con rắn to bằng bắp tay, nằm khoanh tròn một đống, còn chẳng thèm ngóc đầu lên nhìn đám người lạ đến gần, hò hét, xua đuổi. Thậm chí, đá ném vào người, nó chỉ giật mình một cái, ngóc đầu lên ngó, rồi lại gục đầu ngủ tiếp.

Con rắn này có màu da lẫn với lá cây rụng, rất khó nhìn thấy.

Rợn tóc gáy đến mức, khi chúng tôi chọn một vị trí sạch sẽ để dừng chân, nghỉ ngơi, thì cũng đạp luôn phải một con rắn độc chỉ bằng ngón tay người lớn, đang nằm ườn hóng cái cảm giác ấm áp của ánh mặt trời. Con rắn nhỏ xíu, màu sắc sặc sỡ, nhưng trong cái nanh của nó, chứa lượng độc giết được một người lớn. Nó lười biếng đến mức, tôi cầm đoạn cây mục, luồn vào bụng, nhấc nó lên xem, nó chẳng muốn ngóc đầu phản ứng.

Điều tôi thấy thú vị, là tôi nhận thấy, đồng bào Mông nơi đây không ăn thịt rắn, và cũng không bắt rắn đem bán, dù những loài rắn độc hoang dã có giá trị rất cao. Người Mông coi rắn là loài vật thiêng, thậm chí họ còn cúng thần rắn, nên không giết chúng. Cũng có lẽ vì thế, mà khu rừng hoang vu này, là nơi sinh tồn an toàn của vô vàn loài rắn độc.

0 BÌNH LUẬN