Câu chuyện về chàng trai tỉnh lẻ vừa đen vừa xấu, nhưng quyết tâm theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ của Mạc Văn Khoa thực sự rất đáng để truyền cảm hứng đến cho những ai còn chông chênh về ước mơ trong đời của mình.
Gặp Mạc Văn Khoa tại một quán cafe nổi tiếng của giới trẻ, đối diện người phỏng vấn là một diễn viên hài gốc Hải Dương đang trong giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp. Tuy vậy, ở anh vẫn còn vẹn nguyên vẻ chân chất, bóng dáng của một tá điền cực bình dị. Xung quanh Mạc Văn Khoa thi thoảng sẽ có đôi ba tiếng xì xầm của những khán giả hiếu kì: “Mạc Văn Khoa Nhanh Như Chớp kìa“.
Từ một thí sinh phèn từ trên xuống dưới, diễn tiểu phẩm “Cô Bé Bán Diêm” trước mặt Trấn Thành và Việt Hương ở một chương trình truyền hình thực tế ngày nào, giờ trở thành người của công chúng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Mạc Văn Khoa đã tự trả lời cho mình được câu hỏi mà cách đây nhiều năm, có cậu sinh viên từng băn khoăn: “Cầm bằng cao đẳng đạo diễn sân khấu ra trường sẽ làm gì?“.
Cơ duyên nào đã đưa chàng trai tỉnh lẻ trở thành một diễn viên hài Mạc Văn Khoa?
Chính tôi cũng bất ngờ khi mình đi theo nghề diễn. Từ nhỏ tôi đã sợ đám đông, tuy nhiên, nhờ thầy giáo chủ nhiệm lớp 9 chọn tôi và vài bạn cùng diễn vở kịch Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Tôi lúc đó phải mặc cái khố, thoại đúng một câu: “Lính của Thuỷ Tinh tới rồi“. Sau đó đi ra, vậy mà sau vở diễn đó, tôi lại thích nghề này.
Người ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi nhất là anh Chiến Thắng, với tiểu phẩm hài nói xấu vợ. Lúc đó mới học lớp 10, nghe anh Thắng nói xấu vợ rất thích, thậm chí còn bắt chước theo. Lúc ấy trước khi ngủ, tôi cũng nghĩ ra một kiểu nói xấu vợ, sao cho khác với anh, tự viết kịch bản “xàm xàm” của riêng mình rồi tập diễn.
Học xong cấp ba, tôi có thi Đại Học Sân Khấu Hà Nội và rớt. Ba mẹ tôi ở quê biết tôi trượt họ rất buồn, thấy bạn bè đều đã nhập học, tôi lại phải đi làm công ty da giày nên rất xót. Sau đó, tôi vừa làm giày vừa ôn thi lại, thành quả là tôi đậu được hai trường cùng lúc, Đại Học Văn Hoá, trường còn lại Cao Đẳng Văn Hoá Nghệ Thuật Du Lịch Nha Trang. Tôi quyết định khăn gói quả mướp vào Nha Trang để học diễn viên. Lúc nhập học, ngành tôi đậu chỉ có 6 người, nghe lời thầy, tôi chuyển qua học đạo diễn sân khấu.
Từ năm đầu thi rớt Sân Khấu Điện Ảnh, tôi đã ý thức được nghề này rất xa vời. Ở ngày tuyển diễn viên đầu vào, tôi như lạc mình vào thế giới khác, nhìn ai ai cũng có vẻ ngoài của một tài tử, từ ngoại hình, sắc vóc. Riêng tôi, vừa đen vừa xấu, ăn mặc thì như đồ nhà quê lên, đã vậy còn bị ngọng, thời đó tôi không phát âm chuẩn được chữ “l” và “n”. Nhưng có rớt tôi vẫn không bỏ, nếu nơi này khó quá, tôi chọn nơi khác “dễ ăn” hơn. Thế là năm sau tôi đậu hai trường.
Nhìn vào Mạc Văn Khoa của thời điểm hiện tại có giống như những gì ngày xưa anh tưởng tượng?
Tôi của những ngày còn đi học, nhìn thấy máy quay phim hay người nổi tiếng cũng gọi là mãn nguyện. Khi ấy, dù ở Hà Nội hay sau này vào Nha Trang học, tôi chưa từng được gặp qua người nổi tiếng, ước ao được diễn chung với ai đó có tên tuổi nghe rất xa vời. Bây giờ khát khao đó không còn nhiều như lúc trước, nhưng nếu ước được diễn chung với một người, tôi vẫn muốn được một lần hợp tác với anh Chiến Thắng.
Tại sao lúc tốt nghiệp xong, anh không quay lại phục vụ khán giả phía Bắc mà quyến định Nam tiến?
Thời điểm học ở Nha Trang tôi mới bắt đầu xem hài miền Nam. Chú Hoài Linh là nghệ sĩ miền Nam đầu tiên mà tôi coi hài, xem chú như người trong nghề đáng để noi theo. Kể từ đó tôi dần trau dồi, học hỏi thêm từ các anh chị nghệ sĩ khác. Vả lại, ai cũng nói làm nghệ thuật vào Sài Gòn dễ sống, có nhiều việc để làm. Quay ra Bắc lại tôi cũng không quen biết ai và bắt đầu từ đâu.
Ở Sài Gòn tôi nghe nói có nhiều sân khấu kịch, nhiều đất dụng võ. Ban đầu, tôi đã nhắm sân khấu cô Hồng Vân, rất tiếc lúc ấy cô không tuyển diễn viên. Nhưng may mắn có sân khấu của cô Trịnh Kim Chi đang mở lớp đào tạo, tôi quyết định đăng kí, học cô Chi được nửa năm thì bỏ. Diễn viên mới thì làm gì có thu nhập, rồi chi tiền ăn ở, đi lại, học phí để làm bài tập, cái này cái kia đều phải xin tiền bố mẹ, giờ giấc tập kịch không cố định để làm thêm bên ngoài. Trụ được nửa năm, tôi quyết định bỏ học để bố mẹ không phải phí tiền nữa.
Sau đó tôi có theo một người anh, chạy xe lên các lò gạch ở Bình Dương, rồi giao cho những cửa hàng vật liệu xây dựng tại Sài Gòn. Làm được một tháng thì tôi đăng kí tham gia Cười Xuyên Việt.
Anh có nghĩ rằng may mắn trong sự nghiệp như vậy, rồi sẽ có lúc bản thân mình cạn kiệt chất liệu, không đủ trải nghiệm để khai thác nhiều sắc thái khác nhau ở những vai diễn?
Tôi nghĩ may mắn chỉ là bước đệm trong sự nghiệp, muốn làm nghề lâu dài phải dựa vào thực lực, luôn phải học hỏi, lắng nghe ý kiến góp ý của những anh chị từng diễn chung. Khi một vai diễn đã xong, mình phải biết nhìn nhận có điểm nào chưa tốt, cần sửa chỗ nào. May mắn ở đây là gì? Diễn viên bây giờ rất nhiều, trong khi kịch bản lại rất ít, phải may mắn lắm, NSX mới nhớ đến tên của mình. Còn khi đã hoá thân thành nhân vật, mình diễn thế nào để công chúng nhớ tên, điều này phụ thuộc vào khả năng của bản thân, may mắn chỉ một phần thôi.
Từng làm giày da, từng đi bốc gạch, câu chuyện của Mạc Văn Khoa trước khi nổi tiếng có thể hình dung như thế nào?
Mỗi người đều có những nỗi khổ của riêng họ, khó khăn với người này nhưng lại đơn giản với người khác. Riêng tôi, cảm giác chưa bao giờ xa nhà, phải vác balo từ Hải Dương vào Nha Trang học nó rất kinh khủng. Ngoài nhớ gia đình, tôi còn bị ám ảnh bởi suy nghĩ không biết tương lai mình sẽ đi về đâu, theo đuổi nghệ thuật liệu có giúp gì được cho sau này?
Trong lớp chỉ có mình tôi người Bắc, giọng nói khác với người cũng làm mình tủi thân. Khi tập bài, có lúc tôi bị tách riêng, bởi cách diễn không giống các bạn, lối hài Bắc vốn đã thấm vào người, trong khi các bạn chỉ diễn hài Nam. Tôi nhớ như in ngày đầu tiên tới lớp, tôi giới thiệu bản thân mình với mọi người: “Em tên nà Mạc Văn Khoa, giới tính lam”. Sau đó, tôi cố gắng thay đổi, cải thiện để không bị nói ngọng nữa.
Kỷ niệm buồn nhất của tôi chắc có lẽ là vào giai đoạn chuẩn bị lấy bằng đạo diễn sân khấu. Tôi xin gia đình 20 triệu để làm tác phẩm tốt nghiệp, bố mẹ ở quê phải bán bò để lo cho tôi làm tiểu phẩm. Lúc ấy tôi chẳng nhìn ra được đâu là cơ hội, rồi tự dằn vặt không biết tương lai mình ra sao. Đã học và theo đuổi nghệ thuật rất khó để làm nghề khác, diễn viên là một nghề quá mức đặc thù.
So với thời điểm thu nhập vài chục nghìn đồng, cho đến bây giờ đã có thể lên con số trăm triệu, sự thay đổi ở đây theo anh là gì?
Bây giờ phải có tiền thì mới trang trải cuộc sống được. Thay đổi lớn nhất của tôi từ khi nổi tiếng là đã có thu nhập ổn định, lo được cho bố mẹ và gia đình. Hai ông bà muốn ăn gì, sửa nhà hay mua vật dụng gì trong gia đình tôi đều lo được, điều này làm tôi hạnh phúc nhất. Còn tôi trong cách sinh hoạt hằng ngày vẫn vậy, không thay đổi gì.
Mức chi tiêu của tôi ở ngưỡng bình thường, không có nhu cầu ăn chơi ở những nơi sang trọng hay mua sắm đồ đạc. Nhưng giờ được cái mình thích ăn gì thì mình mua thôi, không quan tâm tiền nong nữa.Vì tiền mà, bao nhiêu cho đủ, quan trọng là bản thân thấy thoải mái. Kể cả có thích ăn gì thì tôi cũng chẳng bao giờ thích những thứ đắt tiền, áo quần trên người cũng đơn giản, không có gì để gọi là tiêu xài xả láng cả.
Giữa điện ảnh và sân khấu, theo anh cái nào khó hơn, anh thích trải nghiệm ở lĩnh vực nào?
Mỗi cái có những khó khăn khác nhau. Trên sân khấu diễn viên và hiệu ứng khán giả xảy ra trực tiếp. Nếu diễn hay, người xem lập tức cười hay vỗ tay, chỉ cần nói sai, ngọng hay hụt hơi, nhấn chưa đủ sẽ làm mất đi không khí trên sân khấu, nó khó nhưng tôi rất sướng. Khán giả ngồi đối diện, tôi có thể thấy họ cười, ủng hộ sự xuất hiện của mình. Diễn sân khấu làm nghề cứng hơn, tăng mức độ lanh lợi lên, đi đâu diễn cũng tự tin hơn.
Về phần quay phim đúng là dễ hơn, nếu quay hỏng được thể quay lại. Tuy nhiên, đóng phim điện ảnh buộc diễn viên phải giữ cảm xúc. Mỗi vai diễn có cuộc đời, số phận và tính cách riêng. Một diễn viên hài phải biết sáng tạo ngôn ngữ riêng, không thể dùng một kiểu đem hết vai này qua vai nọ.
Ở lần hợp tác với anh Lý Hải trong Lật Mặt: Nhà Có Khách, anh có học hỏi được gì ở vị đạo diễn này không?
Ấn tượng đầu tiên mà tôi học được từ anh Hải là sự kĩ lưỡng, cầu toàn. Trước lúc bấm máy, anh Hải gọi toàn bộ diễn viên trước để thoại kịch bản, nắm đường dây trước một tuần hay nửa tháng gì đó để ai muốn chỉnh sửa, hay góp ý gì cho nhân vật. Bây giờ vẫn có nhiều diễn viên đợi đến khi ra trường quay mới đọc kịch bản, làm liền như vậy rất khó.
Ngoài ra, anh Hải cũng chịu khó đầu tư, cảnh nào ra cảnh đó và bám sát tâm lí diễn viên. Nếu sai, anh Hải chỉ ra ngay lập tức. Ngoài ra, hình ảnh của diễn viên từ tạo hình cho đến câu thoại đều phải chỉn chu từng chút một. Tính anh Hải không độc đoán, nếu góp ý hợp lí thì anh sửa ngay.
Đóng phim ma vậy anh có sợ ma không?
Ma ai mà chẳng sợ, nhưng mình không làm gì nó thì nó cũng không làm gì lại mình.
Trải nghiệm một tháng quay phim trên Đà Lạt có gì đáng nhớ?
Đây là lần đầu tiên tôi ngủ trong rừng lâu đến đến như vậy, khoảng 20 ngày. Bối cảnh phim thường xuyên được quay vào ban đêm nên tôi thấy rất sợ, nhưng hoàn cảnh bắt mình vào thế thôi. Rừng rất sâu, lại còn âm u, muốn đi vệ sinh cũng phải rủ ai đó đi cùng vì nó ở rất xa.
Năm nay anh xuất hiện khá nhiều trên màn ảnh rộng, anh có nghĩ khán giả sẽ nghĩ rằng Mạc Văn Khoa từ diễn viên hài chuyển sang diễn viên điện ảnh không?
Tôi vẫn nhận game show truyền hình bình thường, vì phim ra liên tiếp vậy, nhưng thời gian quay lại cách nhau rất xa. Thường phim điện ảnh một tháng để quay, năm nay tôi có hai vai diễn thì chỉ mất hai tháng, còn lại có thể vẫn tham gia game show.
Riêng ở mảng điện ảnh, tôi không dám nhận “chảnh” hay gì đâu, nhưng tôi đã biết chọn lọc vai diễn hơn, không như mình lúc mới vào nghề ai kêu gì làm nấy. Tôi có được thêm chút xíu “quyền” là lựa vai hợp cho mình. Tôi không quan tâm vai chính hay phụ, quan trọng là trải nghiệm. Trong Cua Lại Vợ Bầu, tôi vào vai thợ sửa xe, bạn thân của anh Thành nên học hỏi được rất nhiều từ anh ấy. Trong Lật Mặt: Nhà Có Khách, tôi biến thành nhân vật nói nhiều, lầy lội, khá giống tôi ngoài đời.
Anh đã tính đến chuyện sẽ có một web drama của riêng mình hay chưa? Gần đây showbiz có xu hướng làm web drama giang hồ, anh nghĩ sao về đề tài này?
Chắc chắn thời gian tôi sẽ làm web drama, nhưng kịch bản đang có trong tay vẫn chưa đủ “đô” để sản xuất. Tôi muốn khán giả khi xem phim phải trải nghiệm cá tính, mảng miếng, sự hài hước theo đúng chất Mạc Văn Khoa, phải khác biệt với những web drama hiện tại. Tôi đủ khả năng làm, nhưng lại chưa ưng ý với kịch bản.
Hiện tại giang hồ là đề tài tôi khá hứng thú, trước đến nay tôi chưa hoá thân thành nhân vật xã hội đen nào, nếu kịch bản chắc tay tôi sẽ vẫn theo. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn làm web drama có đề tài nào đó gần gũi, phải bộc lộ được cá tính của tôi. Ví dụ như đề tài lãng mạn chẳng hạn, nếu tôi đóng vai lãng mạn chắc sẽ thú vị lắm.
Sẵn nói về lãng mạn, anh và bạn gái vẫn bền vững từ lúc anh vào Sài Gòn lập nghiệp, đến giờ anh nổi tiếng cả hai vẫn gắn bó bên nhau, điều gì đã khiến cho mối tình này bền đến vậy?
Đơn giản là vì tôi và cô ấy đã gắn bó với nhau từ thời tôi có hai bàn tay trắng ở Sài Gòn. Nhiều lúc muốn dẫn bạn gái đi ăn cũng không dám đi vì không đủ tiền. Có gặp nhau một chút thì ăn bún bò ở Ngã Tư Hàng Xanh. Ban đầu cô ấy còn nghĩ quay phim sướng lắm, sau đó tôi dẫn đi theo hai đoàn phim, lúc về bệnh luôn. chỉ khi nào quay game show vui vẻ, gặp bạn bè thì bạn gái mới đi theo. Thi thoảng cô ấy cũng hay ghen, ví như những người “yêu quý” tôi nhắn chút tin tình cảm, hay có vai gì đó cần sự “ôm ấp”. Nhưng chỉ buồn thôi, rồi sau đó hết ngay.
Việc yêu nhau lâu đến vậy ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn vai diễn cho phim, ví như anh được mời đóng phim có cảnh nóng chẳng hạn, anh có nhận hay không?
Nhận quay cảnh nóng với tôi không thành vấn đề. Ở phương diện này, tôi không nghĩ đến người yêu nhiều, tôi chỉ nghĩ mình có hợp với vai này hay không. Nếu thực sự đạo diễn chọn tôi đóng vai cảnh nóng, chắc chỉ cho kiểu vai “biến thái” hay tâm lí rất nặng.
Tôi và người yêu cũng không can thiệp vào công việc của nhau. Những lúc cô ấy buồn vì ghen thì cũng nhẹ nhàng, chẳng cãi nhau. Nhưng đặt mình vào vị trí cô ấy, ngay cả khi tôi là người làm nghệ thuật, nhưng nếu thấy người yêu mình ôm người khác thì tôi cũng sẽ buồn thôi.
Nhìn về phía tương lai xa hơn, anh có lo lắng nếu sau này lứa diễn viên trẻ nổi lên, những tên tuổi như anh hiện giờ sẽ chìm vào quên lãng, anh từng đối diện với câu hỏi này hay chưa?
Khi đã theo nghề diễn viên, không ai dám chắc chắn mình sẽ được khán giả yêu thương trong bao nhiêu lâu. Nếu đang có thời, phải biết cố gắng hết sức, trân trọng từng giây phút. Riêng về phương diện thay đổi bản thân để khán giả yêu thích, theo tôi lại rất khó. Mỗi diễn viên nổi tiếng, dù họ có biến hoá cỡ nào, chung quy lại cũng chỉ cần một tác phẩm để đời. Không ai có thể hoá thân thành tất cả hình tượng, khả năng của con người là có hạn.
Đối với tôi, nếu sau này tôi không còn được nổi tiếng nữa, tôi vẫn đi diễn bình thường, cát-xê giảm xuống nhưng được sống với nghề vậy là vui rồi.
Cám ơn Mạc Văn Khoa đã nhận lời phỏng vấn, chúc dự án web drama của anh sớm ra mắt và thành công ngoài mong đợi!