Với tất cả những gì mà “GTA V” đã làm được, thành công của nó được coi là vượt trội. Rockstar đã chứng minh rằng việc tiêu thụ một tựa game như hàng hoá và tiếp tục thương mại hoá nó bằng các yếu tố dịch vụ là hoàn toàn khả thi.
Đâu là bí mật đằng sau thành công của “GTA”? Làm thế nào mà Rockstar vẫn bán được game sau thời điểm phát hành hàng năm trời? Chúng ta sẽ có được câu trả lời qua bài viết này.
GTA: Thương hiệu game phổ biến nhất
Sức hấp dẫn của “GTA “không bị giới hạn trong một nền tảng duy nhất nào cả. Mặc dù nền móng của series vẫn là trên console, song trên thực tế, có 20% người chơi “GTA” trên PC, 8% chơi trên các thiết bị thông minh như smartphone, tablet, và 7% còn lại chơi trên các thiết bị tay cầm như PSP. Lý do là bởi các phiên bản đời đầu của “GTA” đã được cập nhật thành công lên mọi nền tảng. Những phiên bản như San Andreas, Vice City, và “GTA III” hiện đã được remaster trên PC, console, và mobile, vẫn là lựa chọn số một của 20% người chơi.
Kể từ tháng 9 năm 2015, chưa một lần nào “GTA V” và “GTA San Andreas Multiplayer” bị tuột khỏi Top 20 Game PC phổ biến nhất Âu – Mỹ của Newzoo; tháng 1 vừa qua, cả hai lần lượt giữ vị trí thứ 10 và 9 trên bảng xếp hạng thị trường phương Tây. Điều này cho thấy “GTA” có sức hấp dẫn đa chiều, không quá phụ thuộc vào một tựa game đầu tàu nào cả. Còn đối với con át chủ bài, Rockstar thúc đẩy tương tác đa nền tảng với người chơi, điều không thể thiếu trong thời đại ngày nay.
GTA V: Gừng càng già càng cay
Thành công vang dội của “GTA V” là một yếu tố vô cùng quang trọng trong việc duy trì nguồn sống của cả dòng game. Trong báo cáo tài chính gần đây của Take Two, “GTA V” đã tiêu thụ được hơn 75 triệu bản copy trên toàn thế giới, với doanh số năm 2016 còn vượt qua cả 2 năm trước đó.
Nghe có vẻ “hư cấu”, nhưng lại hoàn toàn hợp lý nếu xét tới ý kiến đánh giá của người chơi về dòng game này. 80% tán thành mạnh mẽ với nhận định rằng “GTA” càng ngày càng hay, trong khi đó chỉ 4% phủ nhận điều này. Đóng góp lớn nhất vào thành công này chắc chắn phải kể tới tính năng mới được cập nhật vào series không lâu sau khi “GTA V” được phát hành, đó chính là: “GTA Online”. Chế độ này cho phép người chơi tự tạo avatar, lập băng đảng với bạn bè thực hiện những phi vụ lớn hoặc đơn giản là đi “quẩy” tung Los Santos. Tính năng này mang tới những tác động mạnh mẽ theo hai cách.
Thứ nhất là về doanh thu. Từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 10 năm 2016, Rockstar liên tục tung ra cập nhật mới, và người chơi cũng liên tục rút hầu bao, ước tính họ đã bỏ ra tới 700 triệu USD để mua vũ khí, xe hơi và những trang bị khác chỉ tính riêng trong “GTA Online”. Quan trọng hơn, “GTA Online” cung cấp một lực đẩy để người chơi mua những bản copy mới của tựa game, giúp duy trì doanh số liên tục. Điều này được thể hiện qua số lượng người chơi tiếp cận với series trên nhiều nền tảng khác nhau.
Một mình một thị trường?
Bên cạnh đó, “GTA” phổ biến rộng rãi như vậy là bởi đại đa số người chơi coi đây là một sự bổ sung cho thư viện game của họ, chứ không phải để “cày cuốc”, cạnh tranh. Điều này được thể hiện rõ nhất khi so sánh những yếu tố thu hút nhất của game đối với fan của “GTA” và “Call of Duty” (“COD”). Mặc dù điểm chung của hai dòng game này đều là những trải nghiệm mang tính hành động trực tuyến, với 24% người chơi cho biết đây là lý do chủ yếu khiến họ chơi game. Song hai tựa game này còn mang đến những giá trị khác, tách biệt nhau hoàn toàn.
Người chơi “COD” cho biết những yếu tố hấp dẫn họ nhất là tính cạnh tranh (31%), chiến thuật (16%) và dễ chơi (14%). Nhưng với người chơi “GTA”, đó lại là mô hình thế giới mở (23%), yếu tố nhập vai (14%) và sáng tạo nhân vật (10%).
Đó là lý do khiến các tựa game FPS không coi “GTA” là đối thủ trực tiếp. Giống như “Minecraft”, “GTA” là một thế giới để người chơi thể hiện bản thân, chứ không phải một tựa game hành động “thuần”. Điều này giúp nó tiếp tục duy trì được sức hút của mình nhiều năm sau khi phát hành.
Với tất cả những gì mà “GTA V” đã làm được, thành công của nó được coi là vượt trội. Rockstar đã chứng minh rằng việc tiêu thụ một tựa game như hàng hoá và tiếp tục thương mại hoá nó bằng các yếu tố dịch vụ là hoàn toàn khả thi – một bài học ý nghĩa cho các nhà phát triển console trong tương lai.