“Buffet thông tin” trên mạng xã hội: Có thể đầu độc suy nghĩ và hành vi giới trẻ

0
176

Xã hội ngày càng phát triển, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội ngày càng dễ dàng và tiện lợi, tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của người tiếp nhận, đặc biệt là giới trẻ.

“Buffet thông tin” dễ đầu độc giới trẻ

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những “món” thông tin bày ra một cách tự do như đại tiệc buffet, ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, chỉ cần ngồi bất cứ đâu, bật điện thoại thông minh lên là có thể truy cập đầy rẫy những thông tin xấu trên Faceboook, YouTube

Những thông tin đó tác động đến suy nghĩ và hành động của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, là lứa tuổi dễ bị tác động tâm lý, dễ bị ảnh hưởng. Đã có không ít vụ cướp của, giết người,… được hung thủ cho biết, học theo từ một hung thủ khác và coi đó là “đàn anh” chỉ đường.

Trước vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý 247 cho rằng: “Hiện này, khi xã hội ngày càng phát triển, một người chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng là có thể bước vào “bữa tiệc” toàn cầu với vô vàn “sơn hào hải vị”. Thời đại 4.0 là thời kỳ kết nối vạn vật. Mang lại cho loài người một đời sống văn minh hơn, kèm theo đó những thách thức mới phải đối diện là điều tất yếu”.

“Theo thống kê năm, giai đoạn 2 năm 2017-2018, tại Trung tâm tư vấn tâm lý 247 có hơn 1.500 trường hợp đã hỗ trợ tâm lý liên quan đến nghiện game, Facebook… Trung tâm nhận thấy, hiện tại nhiều gia đình trang bị các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân cho con học tập để cập nhật theo thời đại. Tuy nhiên các bậc phụ huynh lại rất ít hướng dẫn con cách để sử dụng những phương tiện đó hiệu quả. Điều này giống như mua cho con một chiếc ô tô rồi để cho con tự do lên lái vậy. Không có bằng lái thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh.

Cuối năm 2018, Trung tâm tư vấn tâm lý 247 có tiếp nhận một trường hợp một học sinh nữ lớp 8. Từ khi 2 tuổi, tuổi thơ của học sinh này đã gắn liền với điện thoại, do bố mẹ công việc rất bận nên thường cho con xem điện thoại để con đỡ quấy. Nữ sinh đó hàng ngày đóng cửa trong phòng, chơi trung bình 12 tiếng mỗi ngày.

Đến khi có dấu hiệu hoang tưởng mình là nhân vật trong game, rồi có hành vi như mặc đồ dị, cắt trọc đầu, và bắt đầu nói bậy giống nhân vật… Những trường hợp nghiện game, hay xem những thông tin, video không lành mạnh trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ”, anh Thắng phân tích.

Giải pháp nào để “khử độc” những món ăn?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, anh Bùi Ngọc Phúc, chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu cũng cho rằng: “Việc xã hội phát triển trong thời đại 4.0 không có nghĩa là phụ huynh để mặc cho con mình tự do sử dụng mạng xã hội ở mọi lứa tuổi. Cần có phương pháp kiểm soát nhất định và giáo dục, định hướng cho con biết chọn lọc thông tin để học, làm theo”.

Để khắc phục vấn đề trên, theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, trước hết, trách nhiệm phải đến từ gia đình: “Những người làm cha mẹ cần biết sử dụng điện thoại, máy tính… một cách hiệu quả, là tấm gương để hướng dẫn cho con của mình.

Khi con còn nhỏ thì việc tiếp cận internet phải hoàn toàn trong sự kiểm soát của gia đình. Từ việc xem thông tin, hình ảnh, video gì, trong thời gian nào. Đến khi nào con đủ khả năng biết phân biệt thông tin, hình ảnh, video nào có ích và không có ích thì sẽ cho con sử dụng độc lập và thỉnh thoảng có sự kiểm tra.

Bên cạnh đó, trong nhà trường cần có một khóa học hướng dẫn các học sinh ý nghĩa và phương pháp sử dụng công nghệ”.

Theo chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu Bùi Ngọc Phúc, bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp xử lý những chủ thể cố ý phát tán, lan truyền những thông tin có tác động, ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường, siết chặt luật an ninh mạng để hạn chế những hiểm họa nổi trôi trên mạng xã hội.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here